Header Ads

test

Gặp lại quê hương

Chiều nhạt nắng, tôi dắt xe đạp ra khỏi nhà, tính đạp xe ra đường Đào Duy Tùng hóng gió. Con đường này nối giữa xã Uy Nỗ và xã Cổ Loa, không dài lắm, thoáng đoãng vì nằm giữa cánh đồng. Từ nhà tôi đi khoảng 500m là đến nơi. Gió hiu hiu. Nắng vẫn còn vương vấn trên những đám mây chưa muốn rời, quấn quýt trên những tán điệp bịn rịn.

Con đường này đi qua hai vòng thành Cổ Loa xưa. Tôi thong dong đạp xe, phía xa có cái gì đó, những đốm tim tím rung rinh thấp thoáng trong lá xanh. Tôi phóng xe đến gần hơn. Hoa mua, đúng là hoa mua rồi. Tôi sung sướng. Tôi từng nghĩ mình sẽ chẳng được nhìn thấy hoa sim, hoa mua nữa. Nếu muốn phải về quê ngoại. Trước đây, gia đình tôi sống ở vùng miền núi thuộc tỉnh Bắc Giang, rất nhiều sim và mua. 

Tôi dựng xe dưới chân thành rồi lao lên. Vòng thành cổ năm nào đã trở thành gò đất cao như một dãy đồi nhỏ trồi lên so với cánh đồng trũng thấp dưới chân. Từng chùm hoa mua tím hồng dập dềnh trong gió như những con bướm xinh đang rung cánh. Những cảm xúc bé thơ được dịp ùa về. 

Ngày ấy, nhà tôi ở lưng chừng đồi, trường học ở sườn bên kia. Tôi đi tắt theo một lối mòn trên đồi để đến lớp. Vì đường chính đi vòng hơi xa nên tôi chọn lối mòn này. Những khóm mua mọc khắp nơi. Hoa mua có năm cánh, bung nở rực rỡ khiến con đường tràn ngập sắc tím. Ban đầu tôi cứ ngỡ đó là hoa sim. Mẹ bảo hoa sim và hoa mua gần giống nhau, hoa mua bông to và nhạt màu hơn. Nhị hoa màu vàng đậm và có cuống thưa dài chứ không dày nhị như hoa sim. 



Chiều đi học về, bọn trẻ con trong xóm thường kết hoa mua thành một vòng tròn chơi trò cô dâu chú rể. Chùm hoa mua không thơm, cũng không hắc chỉ có một chút hương dìu dịu tỏa ra từ phấn hoa không dễ nhận ra. Tôi thích hoa mua hơn hoa sim vì hoa nở sớm và lâu tàn. Khi mua rụng cánh, bẵng đi một thời gian đã thấy quả bằng đầu ngón út xuất hiện. Quả mua non vị ngọt nhẹ, chát nhẹ rất dễ ăn. Ăn mua chín chát, lạo xạo hạt nên trẻ con không thích.

 Cách đây vài năm, gia đình chuyển về Đông Anh là quê nội tôi. Mảnh đất mà tôi đã rời đi khi gần mười tuổi và trở về khi đã ngoài hai mươi. Đúng là quê mình, dù đi xa bao lâu khi trở về vẫn thấy gần gũi, gắn bó. Tôi rời đi khi còn quá nhỏ, ít cảm nhận, ít hiểu biết về quê mình. Trong tâm trí tôi chỉ nhớ, quê có những con đường lát gạch, nhà xây gạch, sân nhà là sân gạch bát. Trưa hè mà đi chân đất thì bỏng rát. Nơi tôi chuyển đến có đồi núi, nhiều cây cối, đường đất đỏ và nhà gạch cay. Thế rồi tôi cũng quen hết với những thứ ấy. 

Ngày tôi trở về, quê hương đã thay đổi nhiều. Những con đường đã khác xưa, người ta bê tông hóa đường làng ngõ xóm và cả đường đi ngoài đồng. Ao tù, hồ đọng ven trục đường chính của thôn vừa được san lấp, đổ cát phẳng lỳ một khoảng rộng. Cảm giác tiếc nuối trào dâng, cảm giác quê hương xưa cũ không còn nữa. Nhưng chợt nghĩ, đôi khi, ta chấp nhận mất đi điều gì đó thay vào cái mới để hòa nhập với cuộc sống ngày càng hiện đại hơn. Và tôi tưởng rằng, mình sẽ chẳng bao giờ được nhìn thấy hoa mua ở nơi mình sống nữa. Hà Nội mà, làm gì có hoa mua.


Đây, hoa mua tim tím đây này. Hoa khoe sắc cười toe toét dưới gió chiều. Hoa mua mang trong mình một sức sống mạnh mẽ. Cây mọc thành bụi ở bất cứ đâu, càng cằn cỗi hoa càng tươi thắm. Đất thành cổ không ai chăm bón, những cây bạch đàn, cây keo hút hết dinh dưỡng rồi. Chẳng sao cả, mua vẫn vươn lên những chiếc lá xanh mượt, đơm những bông hoa tươi khỏe. Cũng như những người mạnh mẽ, cuộc sống càng khó khăn họ càng vươn lên, không ngừng nỗ lực đi về tương lai.

Tôi muốn lắm, muốn hái những bông hoa này về cắm vào chiếc lọ thủy tinh xinh xắn trên bàn làm việc nhưng ai nỡ bứt bẻ những cành hoa tươi đẹp này. Yêu hoa phải để hoa trên cây. Yêu hoa phải để hoa với thiên nhiên, để hoa tô điểm cho đời, tô điểm cho vùng quê thanh bình này. 

Ngô Diệp

Cảm hứng giúp tôi viết tản văn này là hình ảnh bông hoa mua tím thấp thoáng trên con đường tắt từ nhà tôi ra đường Cổ Loa. Tôi thật sự rất ngạc nhiên vì hình ảnh ấy.  Sau đó, tôi đạp xe đi ra đường thành cổ tìm kiếm và phát hiện rất nhiều hoa mua.

Đây là tản văn đầu tiên tôi đăng ở tờ Hà Nội Mới cuối tuần. Ngày đăng, xin mời quý vị xem tại ảnh của bài.



Không có nhận xét nào