Header Ads

test

Đi hái măng nứa



Măng nứa được xem là loại măng ngon, đặc sản của các vùng miền núi. Nếu có dịp đến Lục Yên, Yên Bái mà bạn không ăn măng nứa thì quả là lãng phí. Các vùng miền núi có rất nhiều loại măng như măng đắng, mắng nứa, măng tre, măng vầu. Tuy nhiên, măng nứa được đánh giá là ngon hơn cả.

Măng nứa được dân làng đi hái vào sáng sớm, khi sương còn chưa tan, con gà vừa mới gáy và ông mặt trời còn chưa lên. Tại sao lại hái vào sáng sớm vì đêm chính là thời điểm măng mọc, phần măng non uống sương đêm mà vươn mình lớn lên.

Để chọn những ngọn măng non thì cần chọn chỗ nào có bụi nứa xanh tốt. Có khi người dân phải đi thăm dò, tìm nứa trước rồi ngày sau mới vào rừng chứ tơ mơ sáng chưa rõ đường. Thậm chí còn soi đèn đi rừng. Thông thường, đi hái măng là đi theo nhóm vài người. Vừa là để đỡ sợ vừa cho được việc.


Hái măng là cụm từ nghe dễ dàng làm sao nhưng để có được ngọn măng non phải chọn những ngon nhô cao khoảng 15-20 cm, rồi dùng thuổng đào sâu xuống đất. Ngọn măng được bọc trong nhiều lớp áo, thùi lùi xấu xí. Thợ măng giỏi là thợ măng đào thoăn thoắt chẳng mấy mà đầy gùi hoặc đầy bao.

Khi về, công đoạn bóc măng mới gian nan làm sao. Bóc từng chiếc vỏ áo, phải đeo găng tay không thì chẳng còn gì là tay khi bóc cả bao tải măng mấy chục cân. Người bóc măng phải khéo nếu không sẽ gẫy măng, nát măng. Tốt nhất, nếu mới học bóc măng thì không dại gì mà đua với thợ lành nghề. Nát bét cây măng như chơi.

Sau khi bóc xong, măng được rửa sạch với nước giếng hoặc nước dẫn từ khe về nhà. Rồi luộc măng. Nồi măng sôi sùng sục trên bếp củi cháy rực. Nước luộc măng bao giờ cũng ngập quá ngọn măng chứ để hở măng sẽ đen xám, rất xấu, có khi còn bị ngái không ăn được. Tùy nồi măng mà luộc sôi lâu hay chậm, thường khoảng 30 phút sôi. 



Trước khi nồi sôi thì đậy vung, nhưng khi măng sôi thì mở vung và thay 2-3 lần nước để khử bớt độc tố của măng, ăn không say, không ngộ độc.

Khi măng đã chín vàng mềm, cần vớt măng ra, đổ vào chậu hoặc thùng nước lạnh để măng được giòn hơn. Măng nứa luộc nước không chỉ có màu vàng nhạt, vàng tơ như lông gà con vừa nở.  Đưa măng lên mũi chỉ có mùi măng không lẫn mùi vị khác. Không thể vàng ươm, đẹp mắt.

Nhớ ngày nhỏ, mỗi khi ăn măng, chị em tôi thường hỏi, măng chỗ nào ngon nhất hả mẹ. Chỗ ngọn măng con ạ. Thế nào là ngọn măng hả mẹ. Chỗ có nhiều bậc thang đây này con. Thế là chị em tôi thi nhau đòi ăn “bậc bậc”.




Măng nửa luộc có thể làm nhiều món. Làm món măng xào tỏi, măng xào thịt (lợn/bò), nộm măng với tai lợn, hay măng nấu canh vịt, canh ngan, măng nấu canh xương, canh sườn đều rất ngon.


Sưu tầm thêm:

Người không nên ăn măng


Người bị bị đau dạ dày

Những bệnh nhân đau dạ dày hoặc đang uống thuốc chữa dạ dày không ăn măng bởi hàm lượng acid cyanhydric trong măng cũng là chất có hại cho dạ dày, khiến bệnh càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Phụ nữ đang mang thai

Tuy măng là món ăn khá phổ biến và được nhiều người yêu thích, nhưng đối với bà bầu, các bác sĩ khuyến cáo không nên ăn quá nhiều, nhất là trong quý đầu.

Bởi trong những tháng đầu thai kỳ, do chưa thích nghi được với thay đổi của cơ thể và bị ốm nghén, hầu hết các mẹ thường không ăn được nhiều. Trong khi đó, măng chứa nhiều chất xơ, ăn nhiều dẫn đến no lâu, đầy hơi.

Hơn nữa, nếu chế biến măng không cẩn thận dễ dẫn đến tình trạng ngộ độc, rất nguy hiểm cho bà bầu và thai nhi trong bụng.

Để an toàn, bà bầu sau khi mua măng về cần rửa nhiều lần với nước sạch, ngâm muối, sau đó là luộc kỹ khoảng 3 lần mới ăn. Chú ý là trong khi luộc măng, hãy mở vung để độc tố bay đi.







Không có nhận xét nào