Header Ads

test

Những vết thương chưa lành

Vào đại học, tôi quen Minh. Minh ít nói và có phần hơi nhút nhát. Sang đến năm thứ hai, Minh mới tâm sự chuyện gia đình cho tôi nghe. Tôi nhận ra tính cách của cậu ấy chịu ảnh hưởng sâu sắc từ hoàn cảnh gia đình và cách quan tâm của mẹ.
Minh kể, cuộc ly hôn của bố mẹ cậu kéo dài gần một năm vì tranh chấp tài sản. Đó là khoảng thời gian đen tối và đau đớn. Sau ly hôn, mẹ cậu không ngừng than vãn và đổ lỗi sự đổ vỡ là do Minh. Bác lao vào công việc bỏ bê Minh và em trai. Song song với việc đó, bác ép Minh phải thi đỗ đại học theo ngành đã chọn nhưng Minh chọn ngành khác. Minh rất ít nói, trầm mặc và hầu như không bao giờ có ý kiến trong lớp hay các buổi ngoại khóa. Nhìn cậu, tôi luôn cảm thấy toát lên vẻ đau buồn, u uất khôn nguôi.
Hoàn cảnh gia đình Minh không đến nỗi tệ nhưng cậu ấy chỉ được chi tiêu 800.000 đồng/ tháng. Bác ấy nói tiền nhà mẹ đóng rồi đó là tiền ăn và tiền sinh hoạt. Trong khu trọ của chúng tôi, đứa ít nhất cũng được gia đình chu cấp 1200.000 đồng/tháng. Sinh viên có biết bao thứ phải chi tiêu. Bác ấy cấm Minh đi làm thêm, như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc học. Mỗi tháng, Minh chỉ được phép về nhà một lần chơi với em trai dù trường cách nhà chỉ 40 km. Vì lẽ đó, tôi rủ Minh lén đi làm thêm. Bất ngờ, bác đến thăm và phát hiện. Bác ấy mắng nhiếc Minh thậm tệ và cấm về nhà hai tháng.

Cậu ấy vẫn đang là một đứa trẻ với những vết thương chưa lành
Tôi thân Minh và ở cùng phòng với cậu ấy. Minh tâm sự, ngày nhỏ, bạn bè thường mang chuyện bố mẹ cậu cãi nhau ra chế giễu nên cậu sợ nói chuyện với người khác. Thấy con nhút nhát, mẹ cậu xếp đá thành vòng tròn rồi bắt Minh đứng bên trong và nói chuyện với những viên đá. Tôi thật sự bất ngờ về cách này. Làm sao một đứa trẻ lại học cách nói chuyện thông qua những viên đá nhỉ?
Tôi bỗng nghĩ đến mình. Gia đình tôi có hai chị em. Tôi là con cả. Bố mẹ tôi đi làm, tôi phải quản thúc đứa em tinh quoái. Tôi phải học cách chăm sóc và dỗ dành em. Lúc bí quá, tôi quát ầm lên, em khóc và mách bố mẹ. Mẹ giả vờ mắng tôi lúc ấy nhưng sau đó, mẹ lại ân cần chỉ cho tôi cách trông em, nịnh em.
Lần đó, hai đứa chuẩn bị cho bài thuyết trình. Khi luyện tập. Minh khá tự tin và vui vẻ. Vậy mà, khi đứng trước lớp, cậu ấy cứ ậm ừ mãi chẳng nói được khiến các bạn mất hết kiên nhẫn. Tôi phải ra đỡ lời. Tình hình cứ như vậy cho đến lần thứ ba. Tôi rất bực mình mà cũng thương Minh. Tôi nhận rõ, cậu ấy cũng có cố gắng nhưng tình trạng vẫn chẳng khá là bao. Mọi người ngạc nhiện vì sao một người nói nhiều như tôi lại chơi với Minh.
Một lần khác, thủ quỹ-người ngồi cùng bàn với chúng tôi kêu mất tiền. Tôi đứng ra trước lớp giải thích và đưa ra bằng chứng ngoại phạm. Minh đứng im, cậu im lặng trong vài phút rồi nói: “Tớ không lấy số tiền đó”. Một vài lời cáo buộc: “Vậy thì ai?” “Đưa bằng chứng đi”.
Tôi cũng chờ đợi nhưng Minh không nói gì. Minh đỏ mặt, cúi nhìn xuống chân như kẻ có lỗi. Cuối cùng, cậu ấy nói: “Không có bằng chứng thì đừng có ép người quá đáng”. Rồi Minh ra khỏi lớp. Minh nói rằng cậu rất muốn giải thích nhưng không thể mở lời được. Cứ định nói thì cổ họng lại nghẹn cứng lại.
Tôi hiểu vì sao Minh như vậy. Trong gia đình, Minh chưa bao giờ được phép phát biểu. Cậu ấy chỉ được im lặng nếu nói sẽ bị ăn đòn. Nhà tôi thì khác, bố mẹ cho phép chị em tôi tham gia vào mọi chuyện trong gia đình. Bố mẹ tôi, rất ít khi giấu con cái chuyện gì đang xảy ra. Có điều, chị em tôi phải biết cách nói chuyện đúng mực và phát biểu có ích. Tôi chợt nhận ra mình thật hạnh phúc vì cách quan tâm của bố mẹ.
Tính cách, con người của cậu ấy cũng một phần là do cậu ấy quá yếu đuối và phụ thuộc vào cách quan tâm của mẹ. Giá như, Minh có thể mạnh mẽ hơn một chút. Tôi biết nếu tôi rời xa Minh thì sẽ như thế nào. Cậu ấy vẫn đang là một đứa trẻ với những vết thương chưa lành…

Ngô Diệp_Phụ nữ thành phố

Không có nhận xét nào