Header Ads

test

Khoan dung chữa sai cho con

Bữa trưa hôm ấy, ông nội bọn trẻ nói ông bị mất 1.500.000 đồng. Một tuần nay ông không ra khỏi nhà, có người đến chơi nhưng không ai vào phòng của ông, con trai tôi cũng không về nhà. Như vậy, nghi can duy nhất là con gái tôi. Vợ chồng tôi gặng hỏi nhưng con bé phủ nhận.

Con gái tôi học lớp 9. Cháu rất chăm chỉ và ngoan, đi đâu làm gì đều xin phép bố mẹ. Bên cạnh đó, cháu chưa bao giờ cãi người lớn. Tôi không dám tin con gái mình lại có gan làm chuyện này. Con trai lớn của tôi đang học đại học xa nhà. Mọi chi tiêu trong nhà đều phải dè xẻn, tiết kiệm dành tiền gửi con trai trên thành phố.  Có lúc, vợ chồng tôi còn đi vay để mới đủ tiền gửi cho con.

Bố chồng tôi là cựu chiến binh và có lương hưu. Nay ông kêu mất tiền lớn như vậy đúng là chuyện lớn. Một mặt, vợ chồng tôi vẫn mắng và dọa con nhưng mặt khác lập tức bảo con trai tôi nhẹ nhàng nói chuyện với em xem sao.

Không khí nặng nề, u ám bao chùm lên căn nhà vốn tràn ngập tiếng cười. Nhớ năm xưa, khi con trai 7 tuổi từng lén lấy 200 đồng để mua kẹo. Chồng tôi phạt con 20 roi. Từ đấy, cháu không bao giờ tái phạm.

Trong đầu tôi rộn lên những câu hỏi hỗn độn: Tại sao con gái tôi lại dám lấy số tiền lớn như vậy? Con bé lấy tiền để làm gì? Vợ chồng tôi chưa bao giờ keo kiệt với con cũng như để con thiếu thốn so với bạn bè kia mà?

Vài ngày sau, con trai tôi gọi điện về nhà nói rằng chính em gái nó đã lấy tiền của ông. Con bé nói sẽ thú nhận với điều kiện là bố mẹ không đánh đòn.
Anh trai em gái
Người ta thường nói trẻ em như một trang giấy trắng mà nội dung sẽ được cha mẹ vẽ nên. Và không bao giờ là quá sớm để dạy con hiểu về những ranh giới. Chúng cần phải được hiểu điều gì là an toàn, không an toàn, nên hay không nên. Lẽ nào, vì chúng tôi đã quá nuông chiều con hay sao?

Trước mặt cả nhà, con bé run rẩy thú nhận:  “Vì con rất thích mua quần áo đẹp, mua giầy, mua sơn móng tay và thi thoảng tụ tập với bạn bè rồi còn mua quà sinh nhật tặng bạn nữa. Con thấy bố mẹ rất vất vả khi lo tiền ăn, học cho anh nên con không muốn bố mẹ phải lo cho con nữa. Khi thích rồi mà không được mua thì con rất khó chịu nên…”.

Vợ chồng tôi tất bật trồng rau ngoài ruộng mà vô tâm không để ý rằng con mình đã lớn, đã biết làm điệu và có những đòi hỏi rất riêng tư. Giờ muốn đánh, muốn giận con cũng chẳng nỡ. Con bé ham chơi nhưng vẫn biết lo nghĩ cho bố mẹ.

Trước đây, chồng  bảo tôi phải gần gũi răn đe, dạy con tránh xa những cám dỗ và hết sức nghiêm khắc với con về chuyện tiền nong, tránh trường hợp con…làm liều. Tôi chủ quan nghĩ con mình là con gái lại ngoan ngoãn nên không bao giờ làm mấy chuyện đó. Đến giờ, tôi mới hiểu rằng  mọi chuyện đều có thể xảy ra không nên chủ quan trong  bất kỳ trường hợp nào.

Chồng ân cần đến bên con nói chuyện, hỏi thăm. Chồng nhẹ nhàng ôm con vào lòng vỗ về. Con bé từ run rẩy sợ hãi đã bình tĩnh hơn, thôi khóc và đầy hối hận. Con tự hứa sẽ không tái phạm, nếu con tái phạm sẽ nhận trừng phạt nặng.

Sau trận đánh năm ấy, nửa năm sau, thằng bé lớn mới dám đến gần bố. Từ đấy, chắc anh hiểu rằng đòn roi chỉ làm con mình thêm tổn thương, sợ hãi.  Với trẻ, sự dịu dàng và tha thứ chính là liều thuốc chữa lành những sai lầm mạnh hơn cả đòn roi.
Đã đăng báo Phụ nữ thành phố

Không có nhận xét nào